Quan điểm chính trị đối với Việt Nam Người Pháp gốc Việt

Sau 1975, cộng đồng người Pháp gốc Việt chia thành hai nhóm rõ rệt: một nhóm ủng hộ chính quyền Hà Nội và một nhóm chống cộng.[25][36] Hầu hết các tổ chức và hội đoàn của người Việt, kể cả các tổ chức tôn giáo và kinh doanh, đều ngả theo nhóm này hay nhóm kia.[2] Những người ủng hộ chính quyền Hà Nội tự nhận là "di dân" trong khi những người chống cộng tự nhận là "người tỵ nạn".[37] Hai nhóm này có những mục tiêu chính trị trái ngược nhau và những thành viên của mỗi nhóm ít có quan hệ với thành viên nhóm kia. Sau khi Việt Nam tiến hành đổi mới và mở cửa, số người xin quy chế tị nạn giảm mạnh do con đường di cư hợp pháp thuận tiện hơn rất nhiều so với thập niên 80.

Nhóm ủng hộ chính quyền Hà Nội

Bài viết (hoặc đoạn) này hiện đang gây tranh cãi về tính trung lập. Có thể có thảo luận liên quan tại trang thảo luận. Xin đừng xóa bảng thông báo này cho đến khi kết thúc hoặc đạt được đồng thuận trong vấn đề này.

Những người ủng hộ chính quyền Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF, Union Général des Vietnamiens de France), có tổ chức quy mô hơn và được chính quyền Việt Nam công nhận.[38] Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) có tiền thân là tổ chức “Nhóm người An Nam yêu nước” được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập vào tháng 6/1919. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp tập hợp xung quanh UGVF, đã có đóng góp quan trọng trong việc huy động các nguồn lực của cộng đồng, sự hỗ trợ của nhân dân Pháp và nhiều nước trên thế giới nhằm ủng hộ các cuộc kháng chiến ở trong nước. Bên cạnh việc quan tâm đùm bọc nhau trong cuộc sống, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp thông qua Hội UGVF và nhiều hội đoàn khác, phối hợp cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, thường xuyên tổ chức các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như Tết cổ truyền và các ngày lễ lớn, mở lớp dạy tiếng Việt, dạy nhạc cụ dân tộc, dạy hát, dạy võ cổ truyền Việt Nam...Liên quan đến tình hình Biển Đông, bà con cũng bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ mạnh mẽ đối với đường lối của Đảng và Nhà nước, kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ bằng đấu tranh ngoại giao, yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại và dựa trên luật pháp quốc tế. ông Henry Đặng, thành viên Ban Thường trực hội UGVF phụ trách công tác đối ngoại, bày tỏ sự hãnh diện khi được ra thăm, tặng quà chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa[7]. Những người trong nhóm này là những người đến Pháp trước 1975 và con em của họ; vấn đề mưu sinh của họ khá ổn định, và họ được xem là thành phần ưu tú trong cộng đồng gốc Việt. Nhiều thành viên UGVF cũng là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và một số khác là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam[39] (nhà hoạt động chính trị Nguyễn Khắc Viện từng là chủ tịch UGVF[40]).

Trước 1975, mục tiêu của UGVF là chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam và ủng hộ chính quyền Hà Nội. Sau 1975, nhiều thành viên UGVF dự định hồi hương để đóng góp trong công cuộc xây dựng đất nước, nhưng chính phủ Việt Nam lại xem giới trí thức có nền giáo dục phương Tây là một mối đe dọa.[41] Những người được đào tạo tại Liên Xô được trọng dụng hơn vì họ được xem là có quan điểm chính trị thích hợp hơn. Khi họ trở về Việt Nam, những Việt kiều Pháp thường không tìm được việc làm tương đương với công việc của họ tại Pháp.[41] Từ đó, họ ủng hộ thành lập một cộng đồng người Việt ly hương lâu dài tại Pháp. Mục tiêu của UGVF cũng vì đó thay đổi, chú trọng đến việc giữ gìn di sản văn hóa Việt Nam cho các thế hệ sau.[42] Chính phủ Pháp xem UGVF là một tổ chức cộng sản và các hoạt động chính trị của tổ chức không được công khai cho đến năm 1981, khi được chính phủ Đảng Xã hội công nhận.[43]

UGVF tổ chức nhiều lễ hội cho các ngày lễ lớn như Tết Nguyên ĐánTết Trung Thu. Các sự kiện này luôn có sự hiện diện của đại sứ Việt Nam tại Pháp.[44] Các thành viên của UGVF còn thành lập nhiều hội đoàn khác để tranh đua với những tổ chức chống cộng để giành sự ủng hộ từ những người tị nạn sau 1975. Tuy nhiên, các tổ chức này không công bố quan hệ của họ với UGVF vì nhiều người tị nạn sẽ rời bỏ tổ chức nếu họ biết được UGVF đứng sau các tổ chức này.[45]

Mặc dù không hẳn là một bình phong cho những người cộng sản Việt Nam tại Pháp, UGVF là một tổ chức với chủ trương sát cánh với chủ trương của chính quyền Hà Nội.[46] Nhiều thành viên trẻ trong UGVF, sinh ra và lớn lên tại Pháp, cho rằng UGVF thiếu độc lập và quá phụ thuộc vào Hà Nội.[47] Họ cũng đã bắt đầu quan tâm vào các vấn đề trong xã hội Pháp như nạn bị người Pháp bản xứ kỳ thị.

Vào năm 2012, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) phối hợp với nhóm Biển Đông tại Pháp tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu kiến thức Biển Đông" nhằm khuyến khích sinh viên, cộng đồng người Việt tại Pháp tăng cường tìm hiểu sâu rộng hơn về biển đảo Việt Nam cũng như những vấn đề pháp lý, địa chính trị của biển Đông và các khu vực biển đảo thuộc lãnh thổ chủ quyền Việt Nam[48].

Vào năm 2010, Collectif Vietnam - Dioxin, tổ chức bảo vệ nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam vừa tiến hành một cuộc vận động lớn nhằm thu hút sự chú ý của dư luận Pháp ủng hộ cho cuộc đấu tranh của các nạn nhân Việt Nam[49].

Chiều 16/5/2014, gần 2.000 người Việt Nam tại Pháp cùng các bạn bè Pháp yêu chuộng hòa bình và công lý đã hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức Collectif Vietnam, một tổ chức tập hợp tất cả các hội, đoàn của người Việt Nam tại Pháp, tham gia cuộc tuần hành tại Paris chống lại các hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Đa số những người tham gia cuộc biểu tình là các bạn thanh niên, sinh viên đang sinh sống và học tập tại Pháp, những người căng tràn sức sống và nhiệt huyết. Bên cạnh đó, cũng có nhiều rất nhiều mái tóc đã điểm bạc. Đó là các kiều bào đã sống những năm tháng sục sôi của các cuộc biểu tình chống đế quốc Mỹ trước đây giữa lòng thủ đô nước Pháp, đòi độc lập tự do cho Việt Nam, hôm nay một lần nữa họ lại xuống đường đòi công lý cho Việt Nam[50].

Nhóm không có thiện cảm với chính quyền Hà Nội

Huy hiệu Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris

Khác hẳn những người ủng hộ chính quyền Hà Nội, những người chống không có thiện cảm với chính quyền Hà Nội không thống nhất dưới một tổ chức nào tương tự như UGVF, nhưng họ chung một lập trường đối lập với chính quyền tại Việt Nam.[51] Trước 1975, những nhóm người Việt không có thiện cảm với chính quyền Hà Nội hoạt động tại Pháp rất ít, và chủ yếu là các tổ chức sinh viên như Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris. Sau 1975, với số thuyền nhân tị nạn được nhận vào Pháp tăng vọt, những nhóm không có thiện cảm với chính quyền Hà Nội mới thật sự lớn mạnh để cạnh tranh với nhóm ủng hộ Hà Nội.[52] Những nhóm không có thiện cảm với chính quyền Hà Nội bao gồm chủ yếu những người tị nạn đến Pháp sau 1975, vì thế họ có tình trạng kinh tế kém ổn định hơn nhóm kia.

Trong lúc UGVF muốn miêu tả cộng đồng người Pháp gốc Việt như một cộng đồng đoàn kết ủng hộ chính quyền Hà Nội, những nhóm chống cộng hoạt động để nói rõ cho người Pháp bản xứ biết là trong cộng đồng người Việt có sự khác biệt chính trị sâu sắc.[53] Họ thường biểu tình phản đối chính phủ Việt Nam, và kêu gọi những người tị nạn tẩy chay những cơ sở kinh doanh có liên quan đến UGVF.[54]

Những tổ chức của những người chống cộng cũng gồm những tổ chức sinh viên, lãnh đạo, xã hội, và văn hóa. Họ có những hoạt động tương trợ những người tị nạn mới đến Pháp trong thập niên 80. Hầu hết các thành viên hoạt động trong tổ chức Hướng đạo Việt Nam tại Pháp và các tổ chức Công giáo của người Việt đều nằm trong phái chống cộng.[55] Họ cũng tổ chức các cuộc lễ hội cho các ngày lễ truyền thống, nhưng với quy mô nhỏ hơn nhiều so với UGVF và không được nhiều người trong nước biết tới.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người Pháp gốc Việt http://vietluan.com.au/thong-tin-ve-mien-nam http://www.accessmylibrary.com/coms2/summary_0286-... http://books.google.com/books?id=7QEjPVyd9YMC&pg=P... http://www.google.com/books?id=EpuLWVqCC1AC http://www.google.com/url?sa=U&start=8&q=http://re... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp... http://www.rue89.com/2009/12/07/20-000-travailleur... http://www.tuongdaibussy.com/ http://journal.tvfil78.com/article/journal-2008-07... http://vietluanonline.com/251111/Hanoidapphaquancu...